Thứ hai, 17 Tháng 1 2022 19:26
QUYẾT ĐỊNH TRAO GIẢI HỘI THI LẦN THỨ 16 (PDF)
DANH SÁCH CÁC ĐỀ TÀI ĐOẠT GIẢI HỘI THI LẦN THỨ 16 (PDF)
Sau hai năm triển khai, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) đã nhận được 539 giải pháp từ các ban tổ chức Hội thi của 54 tỉnh, thành phố, bộ ngành trên phạm vi toàn quốc sơ tuyển. Trong đó Lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông có 74 giải pháp; Lĩnh vực Cơ khí tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải có 115 giải pháp; Lĩnh vực Vật liệu, hoá chất, năng lượng có 55 giải pháp; Lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp và môi trường có 98 giải pháp; Lĩnh vực Y dược có 86 giải pháp; Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo có 111 giải pháp.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) chủ trì cuộc họp
Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 đã tích cực triển khai chấm điểm và đã chọn được 84 giải pháp đề nghị ban Tổ chức xem xét trao giải, bao gồm: 5 giải nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba, 45 giải Khuyến khích.
Tại cuộc họp này, Hội đồng giám khảo cũng đề nghị Ban tổ chức thông qua danh sách đề nghị tặng Bằng khen Thủ tướng chính phủ, Giải thưởng WIPO cho các đề tài xuất sắc và đề nghị khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tuyên truyền và tổ chức tốt Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc.
Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) dự kiến vào ngày 25/4/2022 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.
Thứ bảy, 15 Tháng 1 2022 12:18
Sau khi phát động Giải thưởng, Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021 đã nhận được 110 công trình của 25 đầu mối (Liên hiệp Hội KHKT các tỉnh, thành phố, tập đoàn, bộ).
Các công trình được phân vào các lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực Cơ khí tự động hoá 17 công trình; Lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống 35 công trình; Lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông 16 công trình; Lĩnh vực Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên 17 công trình; Lĩnh vực Công nghệ Vật liệu 15 công trình; Lĩnh vực Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới 10 công trình.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam cùng các thành viên Ban giám khảo và các thành viên trong Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam tại buổi họp thông qua kết quả chấm giải.
Theo kết quả đánh giá của Hội đồng giám khảo, Ban thư ký đã tổng hợp được 45 công trình đề nghị Ban Tổ chức xét và trao giải, bao gồm : 4 giải nhất, 08 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích. Trong đó:
- Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống gồm 1 giải nhất, 2 giải ba, 4 giải khuyến khích.
- Lĩnh vực Cơ khí tự động hoá gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 4 giải khuyến khích.
- Lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông gồm 2 giải nhì, 1 giải ba, 3 giải khuyến khích.
- Lĩnh vực công nghệ vật liệu gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 2 giải khuyến khích.
- Lĩnh vực công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích.
- Lĩnh vực năng lượng gồm 2 giải nhì, 3 giải ba, 2 giải khuyến khích.
Ban tổ chức cũng thông qua đề nghị của Ban giám khảo 3 công trình bảo lưu, 2 công trình đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao giải cho công trình xuất sắc nhất.
Cũng trong cuộc họp này Ban tổ chức cũng thông qua kế hoạch tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam và giải thưởng WIPO 2021 vào tháng 5/2022 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.
DANH SÁCH CÁC CÔNG TRÌNH THAM DỰ GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO KHCN VIỆT NAM 2021 VÀO CHUNG KHẢO
Thứ tư, 22 Tháng 12 2021 22:39
Tối 22/12, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) -Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, năm 2021.
Tham dự buổi Lễ có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCSHCM Bùi Quang Huy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi Phan Xuân Dũng; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các em học sinh đoạt giải thưởng Cuộc thi năm 2021.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi – TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc là sân chơi bổ ích nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong đời sống, học tập và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng; đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành các nhà sáng chế trong tương lai. Cuộc thi dành cho học sinh từ 6 - 19 tuổi, khuyến khích các em nhỏ tuổi, các em ở vùng núi, biên giới, hải đảo...
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta không chỉ dành tình yêu thương đặc biệt cho các cháu thiếu nhi mà Bác còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi với tương lai mai sau của đất nước. Bác đã xác định trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường năm 1945 Bác Hồ viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Với tinh thần đó, trong nhiều năm qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giao đầu mối là Qũy Vifotec đã phối hợp với Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công 16 lần Cuộc thi. Cuộc thi đã triển khai sôi nổi và rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành phố, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Cuộc thi lần thứ 17 năm 2021, mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp, gần 20 triệu học sinh và sinh viên không được đến trường. Vậy mà các em vẫn tích cực hưởng ứng tham gia, kết quả có 681 đề tài trong cả nước gửi đến dự thi. Đây chính là sự nỗ lực và cố gắng rất đáng trân quý của các em và đó cũng chính là điểm đặc biệt trong Cuộc thi lần thứ 17 này.
Hôm nay, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, các tài năng sáng tạo trẻ là chủ nhân của 106 đề tài đoạt giải đến từ 53 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hội tụ về đây dự Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, nhiều sản phẩm dự thi của các em đã được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Cuộc thi lần này đã và đang phát huy tốt những kết quả đạt được và trở thành sân chơi bổ ích cho các em thanh thiếu niên nhi đồng trong cả nước, giúp các em trau dồi kiến thức, kỹ năng sáng tạo để trở thành các nhà sáng chế trong tương lai.
Chúc mừng các em thiếu niên, nhi đồng đã đoạt giải trong cuộc thi, Chủ tịch Phan Xuân Dũng đề nghị Ban tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền và đơn giản hóa các thủ tục dự thi, để các em thanh thiếu niên, nhi đồng trên cả nước tích cực tham gia, hưởng ứng nhiều hơn nữa, tạo điều kiện để các em thi đua, học tập sáng tạo và thực hiện ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai...
Phó Chủ tịch Thường trực Qũy Vifotec Lê Xuân Thảo phát biểu Lễ trao giải Cuộc thi lần thứ 17
Thay mặt Ban Tổ chức Cuộc thi,Phó Chủ tịch Thường trực Qũy Vifotec Lê Xuân Thảophát biểu: Cuộc thi năm nay đã ghi nhận nhiều ý tưởng sáng tạo cụ thể bằng các sản phẩm, mô hình được gắn với cuộc sống và bảo vệ môi trường; thể hiện rõ khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn, tiềm năng sáng tạo cũng như ý thức của các em đối với sự phát triển của đất nước.
Ban Tổ chức đã nhận được 681 đề tài gửi về từ 53 tỉnh thành trong cả nước thuộc 5 lĩnh vực để đưa vào chấm giải. Trong đó Lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập có 126 đề tài; lĩnh vực Phần mềm Tin học có 120 đề tài; lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường có 126 đề tài; lĩnh vực Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 183 đề tài; lĩnh vực học tập có 126 đề tài.
Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các mô hình sáng tạo và chọn trao giải thưởng cho 106 mô hình thuộc 5 lĩnh vực trên. Trong đó: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba, 60 giải Khuyến khích.
Các tác giải nhận giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021
Giải Đặc biệt được trao cho đề tài Mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhóm tác giả là học sinh: Tải Thị Khanh, Sùng Seo Hồng, Hoàng Thị Luyến, Thèn Thị Doanh lớp 5 - trường phổ thông dân tộc bán trí tiểu học Nậm Mòn 1, Bắc Hà, Lào Cai, phần thưởng là Huy chương vàng, Bằng khen của Ban tổ chức và 20.000.000 đồng.
Các tác giải nhận giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021
5 Giải Nhất phần thưởnglà Huy chương vàng, Bằng khen của Ban Tổ chức và 15 triệu đồngđược trao cho các mô hình :
- Mô hình “Robot hướng dẫn viên du lịch” của nhóm học sinh: Nguyễn Gia Huy (Lớp 10 Tin A2 trường THPT chuyên KH Tự nhiên, Đại học Quốc gia HN); Nguyễn Huy Hoàng (Lớp 7A11 trường THCS Nguyễn Trường Tộ Đống Đa, HN); Nguyễn Hoàng Long (Lớp 4A trường Tiểu học Trung Văn, Nam Từ Liêm, HN); Đỗ Khánh Linh (Lớp 7A3 trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, HN).
- Mô hình “Gia đình em” của nhóm học sinh: Thào Thị Kim Ngân lớp 1A và Thào thị kim Phương lớp 5B – Trường phổ thông Dân tộc bán trú số 1 xã Sín Chéng, Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
- Mô hình “Lan can thông minh” của nhóm học sinh: Phạm Bảo Ngọc. Vương Hiếu Minh, Trần Bảo Châu Lớp 7A4 Trường THCS8 -4 Mộc Châu, Sơn La.
- Mô hình “Máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp” của nhóm học sinh: Nguyễn Quang Hưng (12D2 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Hà Chi (12D2 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội); Đinh Nguyễn Minh Châu (12D2 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội)Nguyễn Hương Anh Thư (8A1 trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) Lê Nguyễn Gia Hưng (9A9 trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).
- Mô hình “hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu sả, hoa hồng liên tục” của nhóm học sinh: Nguyễn Thị Ngân Giang (12G trường THPT Lômônôxốp, Hà Nội) Nguyễn Lê Châu (12A1 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội) Đặng Chí Bằng (8A3 trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Ánh Ngọc (Lớp 10 Sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) Nguyễn Tuấn Phát (9A1 trường THCS Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Cũng tại buổi Lễ Trao giải, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy đã chính thức phát động Giải thưởng Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022.
L.H.
Thứ năm, 16 Tháng 12 2021 20:48
Ngày 16-12 tại Hà Nội, Qũy Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có đại diện các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước. Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 1995. Giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Đã có 2803 công trình tham dự giải và 893 công trình đoạt giải thưởng, đem lại hiệu quả rất to lớn cho nhiều lĩnh kinh tế - xã hội. Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, góp phần bảo vệ môi trường.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng nêu rõ, trải qua 30 năm tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và 26 năm Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, hàng nghìn công trình đoạt giải đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho cộng đồng chính là nguồn động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc ứng dụng các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống, những tồn tại cần khắc phục để công tác tổ chức Giải thưởng ngày càng tốt hơn. Đồng thời đề xuất những kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo động lực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà.
Ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch HĐTW Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực HĐBT Quỹ VIFOTEC phát biểu
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh (Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS), đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 và chuyển đổi số. Là tập đoàn đa ngành nên GFS rất chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp những bất cập như: Quy định về mức hỗ trợ, thủ tục hồ sơ quy trình thực hiện giải ngân nguồn vốn kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học - công nghệ và khi áp dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thì còn phức tạp trong thanh quyết toán khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nguồn quỹ này. Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp chỉ sử dụng Quỹ phát triển khoa học - công nghệ để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiêncứu mà chưa sử dụng quỹ này để đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đổi mới công nghệ là rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp do quy định bắt buộc phải có tài sản bảo đảm đầu tư là cơ chế ưu đãi thuế và đầu tư đối với công nghệ khó thực thi do chưa đồng bộ trong các quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy phần lớn chưa chấp nhận rủi ro cho đầu tư ứng dụng cải tiến trong công nghệ công nghiệp, chưa tạo được mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các Viện, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghiệp nên chưa hút được nguồn chất xám cũng như tham gia vào việc đổi mới, cải tiến phát triển công nghệ tại doanh nghiệp thiếu sự hỗ trợ của nhà nước khi thương mại hóa các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh (Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS) tham luận
Bà Hạnh đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam, nơi hội tụ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước hỗ trợ cùng doanh nghiệp để biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong thời gian sớm nhất; chủ động kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khi quyết định đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất.
Để thúc đẩy việc áp dụng các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vào cuộc sống, tránh tình trạng nhận giải thưởng hoặc sau khi nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài rồi để đấy. Theo ông Hoàng Đức Thảo (Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), các nhà khoa học, các đơn vị có phát minh, sáng chế… cần kết hợp, kết nối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là nơi có khả năng và năng lực để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Bà Mạc Thị Miến (Hợp tác xã nông sản dầu lạc Đồng Yên, tỉnh Hà Giang) tham luận
Bà Mạc Thị Miến (Hợp tác xã nông sản dầu lạc Đồng Yên, tỉnh Hà Giang) kiến nghị các cơ quan Bộ, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế cho các doanh nghiệp cũng như HTX nông sản được vay vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi mở rộng qui mô sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ để sản phẩm đầu ra chất lượng cao hơn; hỗ trợ trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm để các sản phẩm được vươn xa phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch HĐTW Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực HĐBT Quỹ VIFOTEC, để công tác tổ chức Giải thưởng, Hội thi ngày càng tốt hơn và đưa nhanh các công trình đoạt giải được ứng dụng nhanh hơn vào sản xuất và đời sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nghiệp vụ tham gia Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi đến tận cơ sở đồng thời kiến nghị với Nhà nước về những chế độ, chính sách, cơ chế như: Cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại; có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ; cho vay vốn từ Quỹ phát triển, Quỹ pháttriển khoa học - công nghệ để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, lại do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác Tuyên giáo cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Pham Xuân Dũng trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Pham Xuân Dũng trao Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt Giải thưởng, Hội thi vào sản xuất và đời sống
Tại hội thảo, Qũy Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao cờ thi đua cho 3 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Giải thưởng (Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc); trao Cờ thi đua cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt Giải thưởng, Hội thi vào sản xuất và đời sống (Công ty Cổ phẩn gốm Đất Việt, tỉnh Quảng Ninh; Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, TP Hà Nội; Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty Cổ phần công nghệ Quốc tế Đại Việt (Tập đoàn Đại Việt), TP Hà Nội; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên); và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam cho 7 cá nhân.
Lê Hồng
Thứ sáu, 10 Tháng 12 2021 13:25
Sáng 10/12/2021, tại trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội đồng giám khảo quốc gia đã họp để chấm và đánh giá các giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 – 2021).
Tham dự và chủ trì Hội nghị có TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC – Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Đ/c Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc điều hành Quỹ VIFOTEC – Trưởng ban Thư ký Hội thi, các thành viên trong ban giám khảo và các thành viên Ban thư ký Hội thi – là cán bộ Quỹ VIFOTEC.
Năm nay, Ban Tổ chức Hội thi đã nhận được 542 giải pháp từ 55 tỉnh, thành phố, bộ, ngành trên phạm vi toàn quốc, trong đó :
- Lĩnh vực công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông : 81 giải pháp;
- Lĩnh vực cơ khí tự động hóa – xây dựng – giao thông vận tải : 102 giải pháp;
- Lĩnh vực vật liệu – hóa chất – năng lượng : 57 giải pháp;
- Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và tài nguyên môi trường : 106 giải pháp;
- Lĩnh vực Y Dược : 88 giải pháp; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo : 108 giải pháp.
Tại cuộc họp, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã cảm ơn sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng và nhấn mạnh sự tin tưởng vào tinh thần làm việc công tâm, trung thực, khách quan, tích cực chủ động về thời gian chấm giải để đảm bảo lựa chọn ra những giải pháp xứng đáng.
Trang 8 trong tổng số 10